Góc chia sẻ

    Bài viết của NGƯT Trần Dư Sinh

    NHÌN LẠI NHỮNG ĐỔI MỚI TRONG QUẢN LÝ CHUYÊN MÔN TOÁN BẬC TRUNG HỌC Ở THỪA THIÊN HUẾ
    Tốt nghiệp ĐHSP Huế, ngành Toán, thủ khoa khoá Huỳnh Thúc Kháng (1970-1974), tôi được Trường ĐHSP Huế đề nghị giữ lại dạy tại Trường Trung học Kiểu Mẫu Huế, trực thuộc ĐHSP Huế và được Bộ Văn hoá Giáo dục và Thanh niên chấp thuận. Tôi được tham gia vào một chương trình giáo dục tổng hợp tiên tiến thời đó, thí điểm và nhân rộng ra nhiều trường Trung học Tổng hợp trên toàn quốc với chương trình học có đổi mới, đưa hình thức kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trắc nghiệm, sau đó áp dụng đại trà vào kỳ thi Tú tài toàn phần năm học 1974-1975, đưa chương trình hướng nghiệp và dạy nghề cơ bản đến học sinh… Rất tiếc, đến tháng 4/1975 đất nước hoàn toàn thống nhất, mô hình trường Kiểu Mẫu, thực nghiệm giáo dục không có trong hệ thống giáo dục mới nữa nên Viện Đại học Huế lúng túng trong quản lý, do đó trả Trường Kiểu Mẫu về cho Ty/Sở Giáo dục Thừa Thiên Huế quản lý. Vai trò thực nghiệm những mô hình giáo dục mới, tiên tiến không còn nữa. Trường Trung học Kiểu Mẫu Huế được đổi tên là Trường Phổ thông cấp 2-3 Lê Lợi và trở thành một trường PT cấp 2-3 bình thường như bao trường trung học khác.
    Đến năm 1976, Sở GD chủ trương tách cấp 3 ở các trường cấp 2-3 và chuyển về các trường cấp 3, hầu hết giáo viên Kiểu Mẫu Huế chuyển về Trường THPT Quốc Học Huế, trong đó có tôi về dạy môn Toán. Đến đầu năm 1992, tôi được Sở GD chuyển sang Trường THPT Hai Bà Trưng để hỗ trợ Ban Giám hiệu trong công tác thí điểm phân ban đầu tiên sau Giải phóng, do Viện Khoa học Giáo dục thực hiện. Tôi được phân công dạy Toán và Tin học.
    Đến năm 2004, tôi được điều động lên làm chuyên viên phụ trách môn Toán Sở GD & ĐT Thừa Thiên Huế khi đã ở tuổi 53, đi vào một lĩnh vực mới trong cuộc đời làm công tác giáo dục của tôi.
    Thực ra, đối với thế hệ chúng tôi, chuyên môn luôn là thế mạnh, với tinh thần sáng tạo trong công việc, nhanh chóng tự học và xử lý công việc mới, có khi không cần phải đào tạo, tập huấn. Công việc mới cũng mở ra một hướng đi mới đối với tôi, độc lập trong công việc chuyên môn, thỏa sức sáng tạo trong phạm vi mình phụ trách.
    1. Đưa Toán ứng dụng thực tế vào đề thi
    Qua nghiên cứu chương trình môn Toán các lớp cấp 2 và cấp 3, so sánh với chương trình của các nước tiên tiến như Pháp, Bỉ, Mỹ, Anh, Singapore... và một số nước Đông Nam Á, tôi nhận thấy người ta không học và thi mang tính học thuật, từ chương, xa rời thực tiễn như giáo dục Toán của Việt Nam nói riêng và cả chương trình học nói chung, mà đưa toán áp dụng vào thực tế nhiều và đổi mới từ lâu. Ngay trong sách giáo khoa của VN cũng đã đưa vào một số khá khiêm tốn các bài toán thực tế, nhưng qua khảo sát, nhận thấy nhiều giáo viên toán không quan tâm, dẫn đến bỏ qua, ít chú trọng dạy cho học sinh.
    Trong phạm vi và quyền hạn của chuyên viên Toán, tôi đã triệu tập chuyên viên Toán của các Phòng GD&ĐT các huyện và thành phố Huế để trao đổi thống nhất tinh thần chỉ đạo việc dạy và học môn Toán và cấu trúc đề thi kiểm tra học kỳ và tuyển sinh vào lớp 10 THPT: Đề thi sẽ ra nhiều câu độc lập, không thành một ít bài lớn với nhiều câu phụ thuộc nhau, nội dung bám sát sách giáo khoa và sách bài tập, không chọn các bài toán quá khó mang tính đánh đố, đưa một số bài toán vận dụng thực tế vào đề thi. Tinh thần nầy được lan tỏa đến giáo viên toán cấp 2 và cấp 3 toàn tỉnh để định hướng dạy học phù hợp với kiểm tra đánh giá theo hướng mới.
    Những đề kiểm tra đầu tiên vào niên học 2004-2005 giáo viên và học sinh hơi bở ngỡ, chưa quen, thậm chí có phản ứng từ phụ huynh học sinh khi đề kiểm tra học kỳ lớp 9 có câu: Tính góc sút tối đa vào cầu môn từ chấm phạt đền, họ bảo rằng “tôi sẽ kiện vì con tôi là nữ đâu biết bóng đá để làm bài toán nầy!”, nhưng khi chỉ ra đây là bài tập trong SGK thì mới ngớ ra, do có thể thầy/cô hoặc bỏ qua hoặc có dạy nhưng các em không chú ý!
    Đối với đề thi Toán tuyển sinh vào lớp 10, đã có nhiều bài độc lập với nhau, khoảng 7 bài rải đều chương trình lớp 9 và dĩ nhiên có ít nhất một câu toán ứng dụng thực tế. Khi Sở có chủ trương Hội đồng ra đề tuyển sinh 10 phải cách ly và tổ hợp đề thi từ những đề đề xuất của giáo viên toán từ cơ sở gửi về, tôi luôn chọn 2 bài của chuyên viên: Bài 1 thuộc kiến thức cơ bản nhất để học sinh nào cũng có thể làm được và bài cuối là bài toán ứng dụng vào thực tế, tham khảo nhiều tài liệu và vận dụng cũng có hoặc tự nghĩ ra; các bài còn lại tổ hợp có biên tập lại từ các đề đề xuất. Mỗi năm, tôi đầu tư suy nghĩ để có một bài toán ứng dụng thực tế có tính sáng tạo, đánh giá được trí thông minh và sự vận dụng toán vào thực tiễn của học sinh, mà không có sách nào có. Nhiều giáo viên toán hỏi tôi lấy ở tài liệu nào, tôi chịu và chỉ vào đầu!
    Một số học sinh ở các trường chọn ở Quảng Bình, Quảng Trị vào thi vào các lớp 10 chuyên Toán Quốc Học cũng bất ngờ vì ít được làm quen. Có thế mới phát hiện được học sinh thông minh, sáng tạo, không trúng tủ. Ngoài ra một số bài toán thực tế trong các đề thi học sinh giỏi vận dụng Máy tính cầm tay (MTCT) vào giải Toán cấp tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được nhiều tỉnh/thành phố và Bộ GD&ĐT sử dụng làm đề thi cấp tỉnh hoặc quốc gia theo khu vực như: Bài toán đo chiều cao cột cờ Kỳ đài Huế; Bài toán dân số vận dụng để đưa ra kế hoạch chuẩn bị số phòng học trong 5 năm tới...
    Trên toàn quốc, có lẽ chỉ có Thừa Thiên Huế đã đưa toán thực tế vào đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT từ rất sớm. Lướt qua các trang web Toán cũng như của các Sở GD&ĐT chỉ thấy đề tuyển sinh 10 theo lối cũ. Mãi đến những năm gần đây, đi sau Thừa Thiên Huế hơn 10 năm, duy nhất Sở GD&ĐT Tp. HCM đã có định hướng đổi mới đề thi tuyển sinh Toán 10 theo hướng tiến bộ nầy, đã đưa vào nhiều bài toán vận dụng thực tế theo xu hướng chung của giáo dục toán trên thế giới, nắm bắt tinh thần đổi mới việc dạy và học trong cuộc đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà, qua các bài viết của những nhà giáo dục Toán biên soạn chương trình Toán mới, thể hiện trong các bộ sách giáo khoa lớp 6, 7, 10, 11 đang được triển khai.
    2. Được phong làm “Tổng tư lệnh”
    Một dấu ấn khác trong việc phát huy sáng tạo chuyên môn của tôi, đó là đưa toán ứng dụng vào đổi mới hoạt động giáo dục Toán theo định hướng của Bộ GD&ĐT, đẩy mạnh hoạt động giải toán bằng Máy tính cầm tay . Tôi đã liên kết với Công ty XNK Bình Tây (BITEX) - đơn vị phân phối MTCT Casio, mời chuyên gia hàng năm về bồi dưỡng kỷ năng sử dụng và vận dụng để giải toán bằng MTCT. Công ty bán máy tính Casio cho giáo viên và học sinh với giá ưu đãi, giảm nửa giá so với thị trường. Từ đó, đã có nhiều giáo viên và học sinh có được MTCT có những tính năng cao cấp để sử dụng vào giải toán, đồng thời đào tạo được một lớp giáo viên trẻ say mê với cái mới, nghiên cứu sâu về chuyên đề giải toán bằng MTCT, bồi dưỡng các học sinh giỏi MTCT ở các trường. Nhờ vậy, tại các kỳ thi Giải toán bằng MTCT quốc gia theo 4 khu vực, gồm các môn Toán 9, Toán 12, Toán 12 BTTH, Lý, Hóa, Sinh 12, Đoàn của tỉnh Thừa Thiên Huế bao giờ cũng đạt giải Nhất hoặc Nhì, Ba. Các kỳ thi này được phối hợp tổ chức giữa Bộ GD&ĐT và Công ty BITEX và được công ty tài trợ kinh phí cũng như giải thưởng.
    Đây là một sân chơi trí tuệ không có tính chất bắt buộc, nhưng hầu hết các Sở GD&ĐT trên toàn quốc đều tham gia chia thành 4 khu vực. Tuy vậy, nhiều địa phương khi đăng cai vẫn chuộng thành tích, tìm mọi cách tác động để mình đạt giải Nhất. Những lần như thế, Đoàn TT-Huế đành nhường giải Nhất cho chủ nhà! Phương thức tổ chức cũng không khoa học và minh bạch cho lắm, mỗi giám khảo chấm toàn bộ bài gồm 10 câu của mỗi thí sinh, trong khoảng thời gian từ buổi chiều đến khuya để kịp cho kết quả trao giải vào sáng hôm sau; việc chọn giám khảo cũng hạn chế, không phải đoàn nào cũng có người tham gia chấm. Do đó, việc tác động vào bài của các thí sinh nhà của giám khảo không thể tránh khỏi; tính khoa học, công bằng của cuộc chơi phần nào bị ảnh hưởng. Nhiều năm dẫn đoàn đi thi tôi không khỏi bực mình và ấm ức vì người của mình không được tham gia chấm thi.
    Năm 2010 Kỳ thi Giải toán bằng MTCT quốc gia theo Khu vực Miền Trung và Tây nguyên do Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đăng cai tổ chức, công tác tổ chức khá rời rạc, học sinh các Đoàn không được giao lưu. Đơn vị tiếp theo năm 2011 đăng cai được thỏa thuận sẽ là Thừa Thiên Huế, cũng trùng hợp với năm Bà Giám đốc Sở GD&ĐT TT-Huế và tôi sẽ nghỉ hưu, nên trong đợt tập huấn hè 2010 tôi chính thức đề nghị với Bộ GD&ĐT và được Bộ đồng ý để TT-Huế đăng cai tổ chức một kỳ thi Quốc gia Khu vực Miền Trung và Tây nguyên để đời về mặt tổ chức, công khai, khoa học, công bằng để giải tỏa những điều ấm ức nói trên.
    Cuối năm 2010, Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT triệu tập 4 đơn vị đăng cai tổ chức kỳ thi ở 4 khu vực họp tại tỉnh Ninh Bình. Trong phiên họp nầy, tôi đã mạnh dạn đề nghị phương thức tổ chức chấm bài theo cách làm bấy lâu nay ở kỳ thi cấp tỉnh TT-Huế, đó là giám khảo chấm theo từng câu, chứ không chấm cả bài gồm 10 câu vừa khó nhớ đáp án, căng thẳng, vừa dễ tác động toàn bài khi đoán biết bài thi của học sinh mình. Cách chấm theo từng câu, mỗi giám khảo chỉ cần nắm chắc đáp án một đến hai câu, chấm theo dây chuyền nên rất nhanh, đồng thời việc tác động bài học sinh mình nếu có cũng chi 1/10 hoặc 1/5 toàn bài mà thôi, đảm bảo tính công bằng, khách quan, khoa học, chính xác cao. Đề xuất này đã được cả 4 đơn vị đăng cai của 4 khu vực thống nhất cao và được Bộ đồng ý để thực hiện. Đây là cách chấm thi ở các kỳ thi Olympic quốc tế các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh... mà bấy lâu không ai quan tâm đề nghị để đổi mới.
    Sau hội nghị này, tôi đã bàn với anh Trưởng phòng Giáo dục Trung học (GDTrH) và các chuyên viên liên quan trong Phòng để lên kế hoạch tổ chức kỳ thi Khu vực mà Sở đã đăng cai, địa điểm tại Trường Quốc Học - Huế, xây dựng quy chế chấm bài thi theo phương thức mới, mỗi môn thi có 5 cặp giám khảo chấm, mỗi cặp chấm 2 câu theo trình tự dây chuyền, cách lập phiếu chấm điểm, tổng hợp điểm toàn bài thật chặt chẽ, như thế Sở nào tham gia thi đều phải cử giám khảo đủ các môn, nếu cử thiếu khi đó mới cử giáo viên chuyên Quốc Học bổ sung. Như vậy Đoàn nào cũng có phần trong các môn, khỏi thắc mắc khiếu nại gì cả. Tôi tiến hành liên lạc với tất cả các Sở GD&ĐT thuộc Khu vực Miền Trung và Tây Nguyên sẽ dự thi, thông qua Phòng GD Trung học (GDTrH) mỗi Sở, qua email, thông báo về phương thức chấm thi mới, yêu cầu cử đủ giám khảo chấm thi mỗi môn, đồng thời chốt danh sách thí sinh gửi về Sở GD&ĐT TT-Huế đúng thời hạn trước ngày thi. Liên tục nhắc nhỡ để có đầy đủ dữ liệu nhằm lập danh sách phòng thi các môn và danh sách giám khảo và lên kế hoạch bố trí coi thi, chấm thi.
    Tôi cũng đã lên một kế hoạch tổng thể gồm: tổ chức tham quan buổi chiều trước ngày thi tại hai địa điểm là Đền thờ Huyền Trân Công Chúa và Tượng đài Vua Quang Trung tại Núi Bân, phân công Chuyên viên môn Sử viết thuyết minh ý nghĩa lịch sử của hai di tích nầy, Khối Văn phòng của Sở hỗ trợ nhân sự điều các giáo viên Mầm non tham gia hướng dẫn các đoàn đi tham quan; tổ chức thi viết và thi tập thể theo đoàn, phân công lãnh đạo các đoàn phụ trách các lĩnh vực, phân công giám thị, giám khảo,...; giao Trường Quốc Học tổ chức đón tiếp, hướng dẫn học sinh và cán bộ, giáo viên các đoàn lên Hội trường buổi khai mạc và buổi tổng kết trao giải, phân chỗ ngồi cho các đoàn,...; phân công bộ phận hành chính - thi đua Sở in giấy khen cho các giải trong khuya hôm trước để sáng hôm sau sẽ trao cho các đoàn và cá nhân đạt giải; phối hợp Phòng Khảo thí xử lý kết quả thi để xếp giải ngay trong đêm để sáng hôm sau có kết quả cho từng đoàn trong lễ tổng kết, trao giải; tổ chức buổi liên hoan (Trường Quốc Học) và giao lưu văn nghệ giữa các đoàn (Chuyên viên phụ trách văn thể mỹ) ngay buổi tối sau khi thi xong tại Nhà Chơi trường Quốc Học, toàn bộ kinh phí hỗ trợ của Công ty BITEX được chi cho hoạt động nầy. Kế hoạch chi tiết được soạn đầy đủ thành kịch bản, được Ban Giám đốc và các Phòng Ban chuyên môn nhất trí thông qua và cứ thế thực hiện. Kế hoạch tổ chức thi, phân công các đoàn, lịch làm việc... được tập hợp thành từng bì gửi các đoàn để thực hiện, không phải họp hành nhiều.
    Nhờ thế, mọi hoạt động giao lưu giữa các đoàn, các bước tổ chức thi được tiến hành theo đúng kế hoạch. Trong buổi liên hoan giao lưu giữa các Đoàn, khi biết được người chủ chốt điều hành là một chuyên viên của Phòng GDTrH, lãnh đạo các đoàn đến chúc mừng tôi cũng như Sở GD&ĐT TT-Huế đã tổ chức kỳ thi rất khoa học, nghiêm túc, chặt chẽ, Ông Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã chúc mừng và gọi tôi là “Tổng Tư lệnh” kỳ thi!
    Tổng kết kỳ thi, các đoàn đánh giá đây là một kỳ thi được tổ chức khoa học, công bằng, khách quan nhất từ trước đến nay, ai cũng thỏa mãn, tâm phục, khẩu phục. Một điểm rất fair play là hai đoàn Hà Tĩnh và TT-Huế điểm tổng hợp cao nhất và bằng nhau, sau khi xin ý kiến Bộ, đoàn TT-Huế nhường Giải Nhất cho Hà Tĩnh! Đây là kỳ thi để lại dấu ấn sâu đậm trước khi tôi và Bà Giám đốc Sở nghỉ hưu vào cuối năm 2011.
    3. Khởi xướng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy Toán
    Nhờ thâm nhập vào Công nghệ thông tin (CNTT), dạy tin học ở trường, ở các lớp ngoài xã hội và với kinh nghiệm sư phạm, tôi đã soạn giáo trình để dạy dễ hiểu, người học có thể đọc từ giáo trình để tự thực hành trên máy được. Đây là điều đúc rút được từ thời kỳ tự học tin học của tôi, những người viết sách phần lớn dịch từ sách nước ngoài, dịch từ phần hướng dẫn của phần mềm, nên rất tối nghĩa và không có phương pháp sư phạm, do đó đọc rất khó hiểu. Chính điều này giúp tôi thành công trong việc khởi xướng đưa CNTT và các phần mềm dạy học toán một cách động (dynamic math) vào dạy và học toán cho giáo viên ở tỉnh Thừa Thiên Huế và nhiều nơi.
    Khi tôi đang còn làm tổ trưởng Toán-Tin ở trường THPT Hai Bà Trưng, Giám đốc Trung tâm Tin học của Sở (là học trò cũ Kiểu Mẫu của tôi, sau là Trưởng phòng GDTrH Sở GD&ĐT TT Huế) đi dự một hội nghị về, chuyển cho tôi phần mềm toán học động SKETCHPAD kèm theo tài liệu hướng dẫn sơ lược. Tôi đọc và nghiền ngẩm thực hành, phát hiện ra phần mềm này quá hay, có thế mạnh về toán học động như quỹ tích, đồ thị hàm số…, sẽ giúp học sinh tiếp thu những vấn đề khó một cách trực quan, sinh động. Phần mềm SKETCHPAD rất dễ sử dụng không hiểu tại sao không phổ biến cho giáo viên toán để áp dụng, mặc dầu sau này được biết trước đó đã có giáo viên làm luận văn thạc sĩ về đề tài này! Thế là tôi bắt tay soạn giáo trình thực hành dựa vào kinh nghiệm sư phạm dạy tin học, theo các chủ đề sát với chương trình toán ở trường phổ thông và mạnh dạn đề nghị Trung tâm Tin học Sở GD tổ chức một lớp tập huấn dành cho tổ trưởng toán các trường trung học toàn tỉnh, do tôi hướng dẫn theo giáo trình đã soạn. Buổi tập huấn thành công ngoài mong đợi, giáo viên rất thích thú, hiểu và tự thực hành được theo hướng dẫn của giáo trình. Một vị tổ trưởng đã phát biểu: “Tôi chưa bao giờ dự được một buổi tập huấn thú vị, hiệu quả như thế này, mọi người chăm chú nghe hướng dẫn lý thuyết, không ai bỏ về nửa chừng, buổi thực hành mọi người đến sớm trước nửa giờ để có máy thực hành!”. Từ hội nghị tấp huấn này, các tổ trưởng đã phổ biến lại ở các trường, dựa vào giáo trình và phần mềm được cấp, đã lan tỏa đến phần lớn giáo viên toán sử dụng đưa vào dạy toán, thể hiện ngay vào lần dự thi giáo viên dạy giỏi toán ngay sau đó. Điều đáng chú ý là có một anh tổ trưởng toán từ chỗ sử dụng không thành thạo máy vi tinh, qua lần tập huấn này anh thích thú, đam mê lao vào luyện tập và trở thành một chuyên gia về SKETCHPAD, hợp tác với PGS. TS Trần Vui ở ĐHSP Huế đi sâu vào nghiên cứu phần mềm, viết một bộ sách sử dụng phần mềm vào nhiều vấn đề xuyên suốt chương trình toán phổ thông, được NXB Giáo dục in và phát hành toàn quốc. Sau đó tôi đã biên soạn giáo trình thành tập sách hướng dẫn sử dụng phần mềm SKETCHPAD và xuất bản trên toàn quốc. Nhiều tỉnh sử dụng tập sách này để tập huấn cho giáo viên toán, đây là niềm vui cho người khởi xướng!
    Khi đã là chuyên viên toán của Sở GD&ĐT, tôi có nhận được phần mềm dạy hình học không gian động GeospacW từ chương trình Tăng cường tiếng Pháp (có dạy Toán và các môn KHTN bằng tiếng Pháp) cung cấp kèm tài liệu hướng dẫn bằng tiếng Pháp. Tôi phổ biến cho các trường nghiên cứu để áp dụng, nhưng phần lớn không thâm nhập được, lý do đa số mù tịt tiếng Pháp! Có người nhờ giáo viên Pháp văn dịch phần hướng dẫn, nhưng từ ngữ toán tin mà dịch theo nghĩa văn học, đọc vào không hiểu gì cả, thế là vẫn tắc tị! Thấy được điều này, với vốn tiếng Pháp hồi còn học trung học và sau này sử dụng thời sinh viên để đọc sách toán, cộng thêm phần mềm Tự điển Lạc Việt, tôi bỏ ra 2 tháng để đọc và thâm nhập phần mềm dạy hình học không gian rất thú vị, trực quan và hiệu quả này, viết thành tập giáo trình khá dày, phải dịch Việt hóa theo ngữ cảnh của phần mềm lúc áp dụng mà chỉ người có chuyên môn mới chuyển hóa được, ví dụ có lệnh có tên “fil de fer” nếu dịch sát nghĩa thông thường là “dây thép” thì không thể hiện được tính năng là chuyển đổi cách nhìn một hình không gian với toàn nét liền sang chế độ vừa có nét liền vừa có nét chấm chấm (nét khuất trong vẽ hình không gian),… Sau đó tôi tổ chức tập huấn cho tổ trưởng toán và một giáo viên toán rành CNTT của tất cả các trường toàn tỉnh. Từ đó đã được nhiều giáo viên biết đến và sử dụng thành thạo vào dạy hình học không gian. Năm sau có hội thi giáo viên dạy học ứng dụng CNTT giỏi đã có cô giáo dạy Toán trình diễn phần mềm GeospacW vào bài dạy hình học không gian rất thành công được Ban Giám khảo cho điểm tuyệt đối. Tập giáo trình này được biên tập, chỉnh sửa lại và được NXB Giáo dục in phát hành toàn quốc cũng đã gây tiếng vang khá tốt.
    Nhờ những đốm lửa ban đầu xúc tác, đã được anh chị em giáo viên toán ở Thừa Thiên Huế thổi bùng thành ngọn lửa to và sáng về ứng dụng CNTT vào dạy toán có hiệu quả, làm ấm lòng người khởi xướng!
    -------------------❤️✳️❤️-----------------------------
    Tác giả: NGƯT. Trần Dư Sinh (cựu SV Ban Toán, ĐHSP Huế, khoá Huỳnh Thúc Kháng 1970-1974, nguyên Chuyên viên Toán, Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế).